15/4/16

Doanh nghiệp "méo mặt" với giá thép tăng cao

Trong khi thanh khoản nhà đất bắt đầu vào giai đoạn sôi động nhất từ những cuối tháng năm 2015 cho tới đầu năm nay thì thị trường nhà đất đang đối mặt với nhiều nguy cơ nhãn tiền, dự thảo sửa đổi thông tư 36 siết chặt tín dụng rót vào bất động sản, giá thép tăng cao. Việc này thực sự đã gián đòn chí mạng vào các doanh nghiệp bất động sản và các nhà thầu xây dựng.

gia-thep-tang-cao

Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ NK vào Việt Nam, có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Trước đó, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 862 về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài NK vào Việt Nam với mức thuế áp dụng là 23,3% đối với phôi thép, 14,2% đối với thép dài dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung. Quyết định có hiệu lực từ ngày 22/3.

Anh Nguyễn Tuấn Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, vừa ký được hợp đồng xây dựng thì bất ngờ giá thép tăng khiến anh mất toàn bộ số lợi nhuận từ công trình. “Tuần trước, tôi nhận thầu trọn gói xây lắp với giá 800 triệu đồng, thì tuần này giá thép tăng khiến tôi phải bù lại 10% chi phí tăng. Mất lãi là đương nhiên, điều tôi lo sắp tới cùng với giá thép, hàng loạt vật tư khác cũng tăng theo thì nắm chắc phần lỗ”.
DN nhỏ loay hoay
Không chỉ riêng anh Nam, việc tăng giá thép trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng trực tiếp đến các DN bất động sản và các nhà thầu xây dựng bởi thép và xi măng đóng vai trò quan trọng đối với việc cấu thành sản phẩm đặc biệt là khi dự án đang triển khai xây dựng phần móng và phần trụ của dự án. Giá thép tăng lên sẽ buộc các DN đầu tư xây dựng phải có sự cân đối về mức giá chào bán ra thị trường. Một trong các giải pháp nhà thầu này đưa ra là với các dự án đang dự thầu bắt buộc phải tăng giá.
Đại diện một công ty xây dựng cho hay, thép và xi măng thường chiếm khoảng 30-40% cấu thành giá sản phẩm. Do đó giá thép tăng đột biến chắc chắn sẽ đẩy giá nhà tăng, đồng thời làm vỡ kế hoạch kinh doanh, thậm chí gây lỗ nặng cho nhà đầu tư. Đối với nhà ở xây dựng riêng lẻ, thép chiếm khoảng 20% tổng giá trị phần thô, do đó giá thép tăng cũng làm ảnh hưởng đến thị phần này. Đó cũng là lý do nhiều nhà thầu không muốn nhận thêm các công trình phải thi công phần móng, bởi đây là công đoạn phải sử dụng quá nhiều thép và VLXD khác.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa – TGĐ Công ty Xây dựng Lê Thành, thép tăng trong giai đoạn ngắn hạn thì nhà thầu là người chịu hậu quả vì hầu hết các dự án đang xây dựng giai đoạn này đều giao hết cho nhà thầu nên đơn giá bất động sản chưa có gì biến động. Nhưng nếu vẫn giữ mức tăng này, trong tháng sau chủ đầu tư phải chia sẻ rủi ro đó với nhà thầu.
Khảo sát trên thị trường, cách đây 1 tháng, giá thép chỉ khoảng 10,3 – 10,7 triệu đồng/tấn nhưng khi thông tin áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam được công bố, giá thép trong nước đã tăng vọt lên hơn 12 triệu đồng/tấn, đặc biệt cao điểm có lúc lên tới 13 triệu đồng/tấn.
Nếu DN bất động sản mạo hiểm tăng giá nhà vào thời điểm này có thể ví như tự “lấy dao cắt chân mình”.
“Ông lớn” cẩn trọng
Trao đổi với DĐDN, ông Trần Anh Tài – TGĐ Cty CP Đầu tư PH cho biết, đối với các dự án đã hoàn thiện, mức giá ổn định vẫn chắc chắn được duy trì. Nhưng với những dự án đang triển khai, có thể tùy giai đoạn thi công đến mức nào, phía chủ đầu tư sẽ có những bước tính toán phù hợp.
Hơn nữa, theo lý giải của ông Nguyễn Thọ Tuyển – TGĐ Siêu thị dự án Bất động sản STDA thì các chủ đầu tư lớn rất thận trọng trước quyết định tăng giá căn hộ bởi thị trường bất động sản đầu năm 2016 có quá nhiều biến động lớn như: Thông tư 36, gói 30.000 tỷ đồng dừng giải ngân… Đặc biệt, ông Tuyển khẳng định: “Trước kia giá nguyên liệu đầu vào thấp, chủ đầu tư mua 1 lãi 10. Giờ giá đầu vào tăng thêm một chút, chủ đầu tư sẽ lãi 9 thôi. Hiện các chủ đầu tư đang phải chịu nhiều áp lực, nếu các chủ đầu tư chưa có tên tuổi trên thị trường bất động sản mà tự động tăng giá căn hỗ thì sẽ tự mình loại khỏi cuộc chơi. Thị trường giờ đang có rất nhiều sự lựa chọn không thể nói tăng là tăng ngay được”.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, giá thép có tăng nhưng giá nhà ở sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể. Theo ông Nam: “Thị trường BĐS mới bắt đầu hồi phục và đi lên, niềm tin người mua nhà mới được nhen nhuốm. Nếu DN bất động sản mạo hiểm tăng giá nhà vào thời điểm này có thể ví như tự “lấy dao cắt chân mình”.
Ở góc nhìn khác, ông Trần Đức Diễn – Giám đốc Sàn bất động sản Maxland lại cho rằng: “Với những chính sách kích cầu hiện nay thì người dân không cần phải mua nhà để chạy theo giá thép. Tuy nhiên, với xu hướng ấm lên, thị trường bất động sản thời gian tới chắc chắn sẽ có những điều chỉnh tăng do nhiều yếu tố tác động”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét