Trong thời gian vừa qua mặc dù
được kỳ vọng sẽ phát triển như khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng bất động sản khu
vực Tây Bắc TP.HCM lại đang rất èo uột, giao dịch rất hạn chế. Việc khan hiếm đất nền, tạo cơn “sốt” bất
động sản chỉ là chiêu làm giá, tạo thị trường ảo của các chủ đầu tư.
Cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM là đầu mối giao
thông quan trọng, kết nối TP.HCM với nhiều tỉnh thành như Long An, Tây Ninh,
Bình Dương và Campuchia. Đây cũng là con đường quan trọng để người dân nhiều quận,
huyện ngoại thành đi vào trung tâm.
Nhờ vào vị trí này, khu Tây Bắc đang được
quy hoạch đầu tư bài bản về hạ tầng, mở đầu cho làn sóng đầu tư bất động sản
trong thời gian tới. Các dự án giao thông xuyên Á – Quốc lộ 22, tỉnh lộ 8, Quốc
lộ 1A, tuyến metro số 2 nối Bến Thành – Tham Lương, metro số 4 nối quận 7 – Thạnh
Xuân, bến xe An Sương đồng loạt được nâng cấp và khởi công tạo nên diện mạo
hoàn toàn mới cho toàn khu vực.
Bản quy hoạch phát triển khu Tây Bắc từ
nay đến năm 2020 bằng quỹ đất hơn 10.000 ha với nhiều khu dân cư, các trường đại
học, trung tâm thương mại dịch vụ đa chức năng. Tất cả chờ đợi sự dịch chuyển
“sóng” bất động sản về khu Tây Bắc.
Ngưng
bán và giảm giá
Trước thực tế trên, rất nhiều nhà đầu tư
đã nhảy vào kinh doanh dự án đất nền ở khu vực Tây Bắc. Trên dọc các tuyến đường
Trường Chinh, Cộng Hòa, Quốc lộ 22, Quốc lộ 1… thuộc quận Bình Tân, Tân Phú, quận
12, huyện Hóc Môn có rất nhiều biển quảng cáo với nội dung “bán nhà phố, đất dự
án xây sẵn, 1 trệt 1 lầu, với giá bán chỉ 300 triệu đồng, tặng nội thất 100 triệu
đồng, hỗ trợ vay vốn ngân hàng lên đến 70% giá trị lô đất, nhà mới xây, sổ hồng
riêng” hoặc “đất nền chỉ từ 200 triệu đồng”.
Thế nhưng hiện tại, nhiều chủ đầu tư lại
đang đối diện với tình trạng kinh doanh èo uột. Chẳng hạn tại một dự án khu đô
thị sinh thái với quy mô 75ha, nằm trong khu đô thị Tây Bắc. Được mở bán vào đầu
tháng 6 nhưng đến nay, dự án này hiện đang tạm ngưng thi công. Khi chúng tôi
liên hệ để xem đất thì được nhân viên trả lời, hiện tại không giao dịch. Khi
nào có thông tin mở bán lại sẽ chủ động gọi điện thoại cho khách hàng.
Theo giải thích của chủ đầu tư, việc dự
án tạm ngưng thi công là do lượng mưa lớn hơn mọi năm, cường độ mưa cũng nhiều
hơn. "Đây là lý do hoàn toàn khách quan. Chúng tôi sẽ thi công dự án khi
thời tiết trở lại bình thường", đại diện chủ đầu tư nói.
Chấp
nhận bán lỗ
Với diện tích hơn 48ha, tổng vốn đầu tư
hơn 1.000 tỷ đồng, dự án Làng Sen Việt Nam đã bán hết sản phẩm. Đây là một sản
phẩm của Phúc Khang Corporation tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Tuy nhiên rất
nhiều người mua đất ở Làng Sen đang chấp nhận chịu lỗ để bán tháo đất nền.
Chị Lê Thị Thanh sở hữu 2 lô đất tại đây
vào năm 2015 với giá 730 triệu đồng. Sau 1 năm đầu tư, chị phải rao bán 2 lô đất
trên với giá 650 triệu đồng nhưng gần 3 tháng qua vẫn chưa có ai mua.
“Lúc đó tôi nghe môi giới nói, chỉ 3
tháng sau đất khu này sẽ tăng khoảng 20% nên quyết định mua. Giờ bị chôn vốn
hơn 1 năm rồi nhưng không thấy đầu ra nên đành bán lỗ”, chị Thanh nói.
Thực tế tại dự án Làng Sen cho thấy, dù
đã bán hết sản phẩm nhưng không có một hộ dân nào vào ở, cỏ mọc um tùm. Tại
Long An cũng có rất nhiều dự án khu đô thị đang bị bỏ hoang, dù các tuyến đường
nội bộ, hệ thống điện chiếu sáng đã được đầu tư hoàn chỉnh.
Nhiều người mua đất nền tại những dự án
khác như khu dân cư Long Hội của công ty Nhà Thủ Đức, khu đô thị Thanh Yến
Residences, khu tái định cư và thương mại 5 Sao của Tập đoàn Quốc tế Nam Sao,
khu đô thị Phúc Long Garden, dự an nhà phố Long Kim, khu biệt thự nhà vườn An
Thạnh… cũng chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn.
Những dự án này hiện rất thưa thớt dân.
Bốn bề là cỏ dại mọc cao ngút đầu người, thậm chí có dự án còn hiện diện cả chuồng
nuôi bò.
Không
phù hợp
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh
Long An cho thấy, hiện có hơn 50 dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở đang triển
khai tại Đức Hòa, Tân An… với tổng diện tích gần 3.000 ha. Trong đó, con số dự
án khu dân cư được đầu tư hạ tầng hoàn thiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Còn lại, hơn 80% số dự án không thực hiện
được đền bù giải tỏa hoặc thi công xong hạ tầng cơ sở rồi bỏ hoang do không bán
được. Nguyên nhân thất bại của những khu đô thị này là xây dựng ngay trong lòng
các khu công nghiệp, nơi chỉ thích hợp cho loại hình nhà lưu trú cho công nhân
hơn là nhà ở thương mại.
Nguyên nhân khác khiến những khu đô thị
này trở thành nơi... chăn bò là do cơ sở hạ tầng, dịch vụ kết nối với trung tâm
TP.HCM chưa đồng bộ. Giá bán của các dự án còn quá cao so với mức sống của người
dân xung quanh dự án.
Còn người dân ở TP.HCM chỉ mua để đầu cơ
chứ không có nhu cầu ở. Tuy nhiên, để tiền chết vào một mảnh đất từ 8 – 10 năm
mới sinh lợi là điều mà nhiều nhà đầu tư không lựa chọn.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh
tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cũng như các thị trường mới nổi khác, bất động sản
Việt Nam đang chịu rất nhiều biến động. Do đó, bất động sản ở nhiều dự án mất
giá sau 1 – 2 năm là điều bình thường.
“Nhiều công ty bất động sản cứ quảng cáo
rầm rộ là ở khu vực đó đang sốt giá, làm nhiễu thông tin khiến thị trường
phản ứng sai lệch. Nhiều người mua đất theo phong trào với giá cao khả năng lớn
là ôm hận”, ông Hiếu nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét