Có một thực tế trên thị trường
bất động sản hiện nay giá nhà đất tăng không chỉ vì giá nhân công, nguyên vật
liệu, sắt, thép, xi măng tăng, nhu cầu nhà ở… tăng, mà còn nhiều chi phí khác. Mà
trong đó, thủ tục hành chính ở các cơ quan chức năng nhiêu khê, kéo dài cũng
gián tiếp đẩy giá thành sản phẩm của doanh nghiệp bị đội lên, và cuối cùng
người mua nhà phải lãnh đủ mọi khoản tăng phi lý này.
Khách hàng là người cuối cùng chịu gánh nặng
Hiệp hội Bất
động sản TP.HCM (HoREA) là đơn vị từng có rất nhiều kiến nghị để cải thiện thủ
tục hành chính. Theo một lãnh đạo của HoREA, việc thủ tục chậm trễ sẽ khiến
doanh nghiệp bị đọng vốn, doanh nghiệp sẽ chịu thêm chi phí vốn, chi phí quản
trị và mất đi cơ hội kinh doanh.
Ở góc độ doanh
nghiệp, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho biết:
“Hiện nay mỗi một dự án phải chịu những thủ tục khác nhau và đi từ những cấp
thấp nhất cho đến cao nhất. Mỗi nơi thụ lý có thể kéo dài từ 2 - 3 tháng. Thủ
tục để đầu tư xây dựng dự án hiện nay rất nhiêu khê, ít có dự án nào mà hoàn
thành trong vòng 2 - 3 năm”.
“Doanh nghiệp
có thể dự trù được thời gian thi công là từ 2 - 3 năm, nhưng thời gian để làm
thủ tục thì doanh nghiệp không thể lường trước được. Như vậy, tất cả những lãi
vay đó doanh nghiệp đều cộng dồn vô giá thành, tất cả đều đổ lên người mua nhà”
- ông Đực nói.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng
Giám đốc CTCP Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, cho rằng, khó có thể thống kê được
con số cụ thể việc thủ tục chậm sẽ đội giá lên bao nhiêu. Nhưng chậm từ 6 tháng
tới 1 năm, thì vô tình chi phí sẽ tăng lên là 1 - 2%/tổng giá căn hộ. Người mua
nhà mua theo giá bán, chứ không mua theo giá thành.
“Chủ đầu tư không lên được kế
hoạch thời gian bao lâu để xin được giấy phép xây dựng căn hộ. Vô tình doanh
nghiệp phải chịu 2 loại chi phí. Thứ nhất là chi phí đồng vốn bỏ ra: tiền mua đất
chiếm 20% tổng giá trị đầu tư dự án, 1 tháng trôi qua doanh nghiệp phải mất khoảng
0,8%.
Thứ 2 là chi phí cơ hội. Ví
dụ chủ đầu tư làm ra một sản phẩm, dự kiến năm 2016 sẽ bán, nhưng do thủ tục có
nhiều yếu tố kéo dài phải qua năm 2017, thì thời gian đó, thị trường phân khúc ấy
không còn giá trị nữa, doanh nghiệp mất đi chi phí cơ hội (nếu không làm sẽ mất
đi lợi nhuận, doanh nghiệp phải chờ thêm 1-2 năm nữa khi phân khúc đó phù hợp với
thị trường lúc đó doanh nghiệp mới bán được)” - ông Quang phân tích.
Nhiều
ách tắc thủ tục hành chính cần tháo gỡ
Từ thực tế hoạt động của
công ty, ông Nguyễn Văn Đực cho rằng: “Trong vòng mấy năm nay, thủ tục hành
chính trong ngành xây dựng càng ngày càng tăng lên chứ không hề thấy giảm đi.
Chuyện giảm thủ tục hành chính, chúng ta đã nói mãi đến chán ngán. Ảnh hưởng nặng
nề nhất kéo theo là về lãi vay ngân hàng. Doanh nghiệp nào cũng phải vay ngân
hàng để đầu tư dự án. Trong khi đó lãi suất hiện nay thấp nhất cũng khoảng
10%/1 năm”.
Ông Bùi Hữu Phúc, Giám đốc
CTCP Thương mại Phú Nhuận, đơn cử một dự án của công ty, đã trình Sở Tài nguyên
- Môi trường xin được định giá tiền sử dụng đất, nhưng đến nay đã hơn 7 tháng vẫn
chưa nhận được quyết định phê duyệt giá trị tiền sử dụng đất. Kéo theo đó, việc
hoàn tất nghĩa vụ tài chính về đất đối với Nhà nước và bổ sung hồ sơ xin cấp
phép xây dựng bị đình trệ.
Không chỉ việc định giá về nộp
tiền sử dụng đất mà việc khấu trừ tiền sử dụng đất trong thẩm định giá cũng bị
ách tắc. Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Bất động sản Việt An
Hòa nêu ví dụ: “Doanh nghiệp đền bù 10 triệu/1 m2 có chứng từ đầy đủ, nhưng khi
bên thẩm định giá lại khấu trừ tiền mà doanh nghiệp đã đền bù sẽ là một con số
nào đó mà doanh nghiệp cũng không ước lượng được, có thể là 7 triệu, có thể là
8 triệu”.
“Thủ tục hành chính phải là
con số tuyệt đối chứ không phải con số tương đối. Tức là cái gì cũng phải chính
xác, chứ không thể nào mà ước lượng là bao nhiêu. Ví dụ là thời gian 1 tháng
thì phải là 1 tháng xong hoặc có thể ngắn hơn hoặc dài hơn, nhưng phải là con số
cụ thể. Việc nộp tiền sử dụng đất cũng vậy, phải là một con số cụ thể thì doanh
nghiệp rất dễ xử lý. Doanh nghiệp thực sự muốn có thể dự trù được, để kế hoạch
của mình không còn mung lung. Chứ không thể bán ra cũng không biết sẽ lời lỗ
bao nhiêu” - ông Quang chia sẻ.
Về vấn đề này, HoREA cũng đã
kiến nghị về lâu dài nên nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay
thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% -
15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ
chế xin - cho. Hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn
thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước.
Để người dân được sở hữu nhà
ở với mức giá hợp lý không chỉ là bài toán nỗ lực một phía của doanh nghiệp mà còn rất cần sự
chung tay cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan chức năng liên quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét